MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẤT YẾU TRONG TƯƠNG LAI
  • 06/09/2021
  • 1346 lượt xem
Trước những thách thức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng về nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và gần đây là sự tranh chấp căng thẳng về rác thải giữa một số nước, thì việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu.

           Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống mà trước đây chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn

            Các mô hình sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi giun quế, nuôi ruồi lính đen, sau đó lấy giun quế, ruồi lính đen làm nguồn protein chăn nuôi lợn, gà, thủy sản ở nhiều nơi đang thu được thành công và cần được nghiên cứu nhân rộng. Đây là hướng đi rất hay bởi người chăn nuôi vừa có nguồn protein tốt, vừa xử lí được chất thải, bảo vệ môi trường.

            Trong quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, các phụ phẩm được thải ra và thông qua các quá trình biến đổi vật lý, hóa học và sinh học tạo ra các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế đem lại cho người sản xuất. Ngoài ra, các chế phẩm này cũng có thể là sản phẩm cung cấp cho những ngành, lĩnh vực khác như chitosan từ đầu tôm, các loại dầu cá cho ngành dược phẩm.

           Đặc biệt, khi áp dụng nông nghiệp tuần hoàn công nghệ cao, không những có thể chế tạo các phụ phẩm thành các chế phẩm phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà còn tạo ra năng lượng (điện năng, biodiesel, nhiệt lượng) để phục vụ cơ giới hóa và tự động hóa và những sản phẩm nông nghiệp khác.

             Viện KH&CN Mekong Cần Thơ đang thực hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn công nghệ cao như mô hình rau thủy canh công nghệ cao, rau hữu cơ, nuôi lươn thương phẩm, nuôi thỏ thâm canh,…tại Đồng bằng sông Cửu Long. Viện sẵn sàng hợp tác trong triển khai và chuyển giao quy trình kỹ thuật cùng các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp khi có nhu cầu./.

                                                                                   Viện KH&CN Mekong Cần Thơ

Viện Khoa học và Công nghệ Mekong
Contact Me on Zalo