- 02/06/2021
- 477 lượt xem
Bằng cách phân tích tốc độ tiến hóa của các đoạn gen nhỏ thay thế đối với các khía cạnh hình thái học, phương pháp này cung cấp một cách nhanh chóng và xác định loài hiệu quả về chi phí, đặc biệt là đối với đơn vị phân loại và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
DNA mã vạch là gì?
Việc xác định chính xác loài mẫu một cách nhanh chóng, có thể lặp lại và có độ tin cậy cao là một trong những vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu nguồn gen quan tâm. Khái niệm "Mã vạch DNA" được đưa ra để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác định mẫu này. Mã vạch DNA là các chuỗi ngắn DNA có trình tự dài từ 400 đến 800 cặp base mà về lý thuyết có thể dễ dàng phân lập và đặc trưng cho tất cả các loài thực vật và động vật trên hành tinh. Sự kết hợp chặt chẽ của di truyền học phân tử, công nghệ giải trình tự và tin học, mã vạch DNA cung cấp một phương tiện nhanh chóng và chính xác để nhận ra các loài đã biết, được mô tả và đặt tên trước đây và để truy xuất thông tin về chúng. Ngoài ra, công cụ này cũng có tiềm năng rút ngắn quá trình khám phá hàng nghìn loài thực vật và động vật chưa được đặt tên, đặc biệt là trong các quần xã sinh vật nhiệt đới. Như vậy, đối với mỗi nhóm đối tượng khác nhau thì khả năng phân loại của những vùng gen là khác nhau.
Mã vạch DNA truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Ứng dụng mã vạch DNA trong truy xuất nguồn gốc
Quá trình tạo và áp dụng mã vạch DNA thực vật cho mục đích nhận dạng được thực hiện qua hai bước cơ bản: 1) xây dựng thư viện mã vạch DNA của các loài đã biết, 2) so sánh mã vạch DNA của một mẫu không xác định với thư viện mã vạch DNA. Trong bước xây dựng DNA mã vạch bao gồm các công việc: thu thập mẫu (mẫu tươi, mẫu khô, mẫu hỗn hợp và sản phẩm đã qua chế biến); sau đó sẽ tiến hành tách chiết DNA (phương pháp CTAB, phương pháp SDS, phương pháp PVP, phương pháp Phenolchloroform, ...); tiếp theo là khuếch đại PCR, và cuối cùng là giải trình tự DNA. Ở bước 2 sau khi có kết quả giải trình tự sẽ tìm kiếm cơ sở dữ liệu dựa trên sự tương đồng (sử dụng công cụ phần mềm như BLAST) và xác định loài.
Sự lựa chọn các mã vạch DNA, thường là các vùng gen có tốc độ tiến hóa thích hợp để tạo ra sự thay đổi vừa đủ ở các vị trí nucleotide khác nhau trong các thế hệ. Phần lớn các nghiên cứu mã vạch DNA, đã sử dụng các vùng DNA nằm trên bộ gen plastid, ví dụ: ribulose 1,5-bisphosphate carboxylase tiểu đơn vị lớn (rbcL), maturase K (matK) và nhiều vùng liên gen như tRNA Leucine - tRNA Phenylanaline (trnL-trnF), tRNA Histidine - protein liên kết hệ thống quang A (trnHpsbA), tRNA Glutamine - protein ribosome S16 (trnQ-rps16), tRNA Cysteine - tRNA Asparagine (trnCtrnD), và tRNA Alanine - tRNA Histidine (trnA-trnH). Ngoài ra, vùng ITS và 18s RNA cũng có thể hoạt động như mã vạch hữu ích để phân loại cây hoa. Mã vạch DNA là một phương pháp thông thường để xác định các mẫu vật sinh vật sống chưa biết. Cách tiếp cận này có thể được áp dụng cho nhiều loài từ vi sinh vật đến động vật bậc cao. Đối với thực vật sự khác biệt về trình tự DNA mã vạch là rất rõ ràng, do đó giải trình tự DNA ngắn được sử dụng làm mã vạch cho các loài thực vật giúp cung cấp thêm một công cụ giám định loài chính xác, hiệu quả và định loại được với cả các mẫu không nguyên vẹn, mẫu con non khó định loại bằng hình thái.
Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ