- 01/06/2021
- 337 lượt xem
Ứng dụng kỹ thuật bổ sung 20 ppm Silic vào dung dịch dinh dưỡng, giá thể phối trộn xơ dừa và đất nung tỷ lệ 1:1, đồng thời hạt giống được ngâm ủ đến nứt nanh trước khi gieo vào rọ nhựa đã làm tăng hiệu quả kinh tế của rau xà lách là 91,69%, xà lách xoong là 114,93% và bó xôi là 9,94% so với kỹ thuật Nguyên Khang thủy canh hồi lưu trong nhà màng tại Vĩnh Long.
Hiện nay chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu nhằm đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng cho bản thân và gia đình. Hơn nữa, biến đổi khí hậu đã và đang trở thành thách thức, tác động tiêu cực đến việc sản xuất cây trồng ở ngoài đồng theo kiểu truyền thống. Giải pháp phù hợp nhằm hạn chế các tác động xấu từ môi trường được đặt ra và việc trồng rau thủy canh trong nhà màng là một giải pháp phù hợp và hữu hiệu, ngoài việc giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu, phân bón, trồng rau thủy canh có thể cho sản lượng quanh năm, bất chấp điều kiện khí hậu bên ngoài, tăng năng suất, chất lượng rau an toàn, góp phần tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Mô hình thực hiện 3 loại rau: Cải xà lách xoong (Họ Thập Tự), cải xà lách (họ Cúc) và cải bó xôi (Họ Dền) thực hiện theo 2 phương pháp: (1) Kỹ thuật của Nguyên Khang, và (2) kỹ thuật cải tiến (kỹ thuật mới).
KẾT QUẢ CỦA MÔ HÌNH
Chỉ tiêu về sinh trưởng: mô hình ứng dụng kỹ thuật mới cho các chỉ tiêu về chiều cao cây, số lá, đường kính gốc thân khác biệt có ý nghĩa thống kê với mô hình kỹ thuật Nguyên Khang ở cả 3 loại rau, xà lách, xà lách xoong và bó xôi trong suốt thời gian thực hiện mô hình trong một vụ. Theo Lê Văn Hòa và Nguyễn Bảo Toàn (2004) chiều cao cây là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá khả năng sinh trưởng của cây và góp phần tăng năng suất sau này của cây.
Chỉ tiêu về năng suất: mô hình rau xà lách của kỹ thuật mới đạt năng suất thương phẩm cao hơn mô hình kỹ thuật Nguyên Khang (5,79 kg và 4,86 kg), khác biệt rất có ý nghĩa thống kê giữa hai mô hình này. Tương tự, xà lách xoong của mô hình kỹ thuật mới đạt 5,15 kg/12 m2 cao hơn mô hình kỹ thuật Nguyên Khang, 4,79 kg/12 m2, khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai mô hình. Năng suất rau bó xôi ở cả hai mô hình kỹ thuật mới và Nguyên Khang giống nhau, 5,32 kg/12 m2.
Hình 1: Năng suất thương phẩm 3 loại rau ăn lá theo kỹ thuật Nguyên Khang và kỹ thuật mới
Hạch toán kinh tế:
Tổng chi mô hình rau xà lách theo Nguyên Khang là 128.755 đồng, trong khi mô hình theo kỹ thuật mới thấp hơn là 123.395 đồng, chênh lệch tổng chi giữa kỹ thuật mới so với Nguyên Khang là 4,16%. Mô hình cải xà lách xoong theo Nguyên Khang chi 141.555 đồng, theo kỹ thuật mới là 134.595 đồng, chênh lệch 4,92%. Mô hình cải Bó Xôi theo Nguyên Khang chi 142.755 đồng, theo kỹ thuật mới chi chỉ 135.759 đồng, chênh lệch 17,93%. Tổng chi phí của ba loại rau ở mô hình kỹ thuật mới so với Nguyên Khang chênh lệch trung bình là 9,0%.
Hiệu quả kinh tế của mô hình rau xà lách theo Nguyên Khang đạt lợi nhuận là 41.345 đồng, trong khi mô hình theo kỹ thuật mới đạt cao hơn là 79.255 đồng, chênh lệch giữa hai mô hình là 91,69%. Mô hình cải xà lách xoong theo Nguyên Khang đạt lợi nhuận 16.449 đồng, theo kỹ thuật mới đạt 35.355 đồng, chênh lệch 114,93%. Mô hình cải Bó Xôi theo Nguyên Khang đạt 70.045 đồng, theo kỹ thuật mới đạt 77.040 đồng, chênh lệch 9,94%. Hiệu quả kinh tế của ba loại rau ở mô hình kỹ thuật mới so với Nguyên Khang chênh lệch trung bình là 72,19%.
Hội thảo đầu bờ tổ chức tại nhà màng Công ty TNHH Nông nghiệp Nguyên Khang.
THAY LỜI KẾT
Ứng dụng kỹ thuật bổ sung 20 ppm Silic vào dung dịch dinh dưỡng, giá thể phối trộn xơ dừa và đất nung tỷ lệ 1:1, đồng thời hạt giống được ngâm ủ đến nứt nanh trước khi gieo vào rọ nhựa đã làm tăng hiệu quả kinh tế của rau xà lách là 91,69%, xà lách xoong là 114,93% và bó xôi là 9,94% so với kỹ thuật Nguyên Khang thủy canh hồi lưu trong nhà màng tại Vĩnh Long.
Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ